Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Thôi rồi một lần tu...


Xưa nghe tiếng thái tử Cồ Đàm Tất Đạt Đa vốn dòng dõi quý tộc xứ Ấn Độ, theo đạo Bà La Môn, là người tài năng kiệt xuất mà quyền uy tột đỉnh, vợ đẹp con khôn, của quý trong kho chẳng thiếu gì. Nhưng vì chúng sinh u mê, khổ đau sẵn, lại vướng vòng sanh lão bệnh tử nên một lòng quyết rời xa chốn vinh hoa để vào trong sơn lâm làm bạn với núi rừng cùng muôn thú, ngồi dưới gốc cây bồ đề ngẫm sự đời mà thành quả Phật, để rồi được thế gian đời sau muôn đời tán tụng, tôn vinh. Nay Tiểu sinh vốn là người theo đạo thờ ông trời, xét mặt nào đó thì cùng với đạo ông Phật cũng đồng trí hướng. Thấy thế gian u mê, mà tâm mình u mê, dành giật của nhau từng đồng bạc cắc, cá lớn nuốt cá bé mà cá bé nuốt cá tí ti. Cùng là giống nòi, nhưng biết ghét nhau tiếng gáy. Kẻ nghèo thì khổ vì mất đất, mất miếng ăn. Kẻ giàu cũng chẳng sướng hơn ai, lo vơ vét cho đầy kho mà tâm thì sợ nào có mối mọt, trộm cắp. Thiệt kinh sách xưa nói chẳng sai chút nào: "của cải anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó."


Cũng may cho tiểu sinh, công danh chưa có, cha mẹ sinh ra vốn kẻ tay trắng, sống vài chục năm cũng chỉ là kẻ trắng tay. Nhân tình nhân ngãi vốn chưa vướng, nên tự thấy mình đời này chẳng có gì vướng bận, mong một lần tìm tới chốn Phật môn, chẳng mong thành chánh quả. Tuy cổ đeo thập giá, miệng chẳng thể niệm nam mô, nhưng cũng tối ngày luận bàn kinh sách với các vị hiền giả của tôn giáo bạn, trình độ có hạn nhưng cũng có thể mở rộng thêm nhân sinh quan, tới bữa thì cùng các vị đó vui cơm rau đạm bạc, chiều chiều hòa mình vào những gốc cây trong rừng nghe tiếng chim, hít hương hoa. Ngắm nhìn giọt mồ hôi rơi trên mặt nhưng người trần, mà thấy trong chốn thanh tịnh, lòng ai cũng thanh tịnh, tâm an vui, vì quanh đây, mọi người ai cũng an vui cả. Thiệt là đạo tuy có khác, nhưng tâm nếu đã muốn thiện, đều có thể ngồi cùng bàn ngủ cùng chăn với nhau.


Tiếc thay tiếc thay, đã cố trốn vào rừng sâu, lánh vào cửa tu hành mà chẳng thể thoát được việc bụi trần, cũng thiệt là: "Cửa Phật giữa trần, bụi trần vấn vương." Nào Văn Giang, nào Bắc Ninh, nào miền Đại Ngàn Tây Nguyên, rồi ngay giữa đất thủ đô, trong chốn tu viện của những người theo đạo thờ ông trời như tiểu sinh, nay bị cấu miếng này, mai giải tỏa miếng kia. Cha dòng mất nởi tu tập, người 
dân mất đất trồng cây, rồi cái cần câu cơm của mỗi gia đình bao đời nay cũng mất. Ấy còn chưa kể tới, nào mồ mả nào hài cốt ông bà tổ tiên nằm dưới huyệt sâu bao đời nay tưởng an nhàn trong cõi vĩnh hằng, mà nay cũng có kẻ hết đổ bùn thải lấp đi, hoặc cho máy xúc xúc lên. Thiệt xót xa thay.



Ấy cái tin Văn Giang, công sai hơn ba ngàn vị, khỏi lửa rợp trời, tiếng nổ rền vàng. Cách đó gần bốn chục cây số chỗ tiểu sinh tập tu, có Chùa Non Nước, có đền Thánh Gióng, có Đài Quan Âm, có đỉnh núi nơi ông Gióng về trời là chốn linh thiêng ngàn đời nay hẵng còn vang tiếng. Dân khắp nơi nơi, quanh năm về đây hành hương lễ bái, chẳng ngày nào mà không có người qua lại nơi này để kiếm một chút thanh thản trong lòng mình. Đất vốn đã thiêng, bao quanh lại là rừng núi phòng hộ, có biển cấm chặt phá. Vậy mà những địa chủ, tiền vốn hơn người vẫn ngăm nghe dòm ngó hết mảnh này tới mảnh khác, hết quả đồi này tới quả đồi khác. Giữa nơi linh thiêng lòi đâu ra nào đầu trâu mặt ngựa chặt rừng; rào núi; ghẹo sư cô. Lại có những kẻ tri thức kính cận bằng cấp ra sao chẳng biết... hơi chút là dọa đốt chùa, chém sư. Chốn tu tập, học viện Phật Giáo nơi đào tạo tăng ni cũng là nơi ngày đêm cho các thầy rèn câu kinh tiếng mõ, tâm trí cố được phần thanh tao. Ấy vậy, chẳng hiểu nổi ai lại tính: nào du lịch sinh thái, nào sân gôn cho đại gia hành lạc. Dân quanh năm trồng rừng, nay lấy gì nuôi miệng đây hả trời hả Phật.


Cứ tưởng lánh xa sự đời, khoác tấm áo tràng là chẳng phiền bụi trần, ấy vậy nay cửa trần nay dính bụi mất rồi còn đâu. Thôi, áo tràng gửi lại chùa, câu kinh tiếng mõ bấy lâu nay xin giữ lấy trong tâm làm hành trang đường đời. Đời có bụi mà cửa chùa có bụi. Đâu chẳng có bụi trần, ấy vậy thì tu trong chùa, hay tu giữa đời liệu có thực khác nhau. Ấy thì thôi, đã thôi thì cũng đành thôi. Thứ nhất là tu tại gia, thì nhì tu chợ, thứ ba mới tới tu chùa. Dù giáo dù lương, đâu cũng như đâu, chỉ xin chúng sinh, cùng nhau giữ lấy đất thiêng, chẳng phải cho chùa nọ, sư kia, chẳng phải cho Phật Tử hay giáo hội, nhưng cũng là giữ cho nhân loại, cho chúng sinh không chỉ một nơi thiêng liêng về tôn giáo, thanh cao về tâm hồn, mà cũng là một phần lá phổi xanh của nhân loại.


1 nhận xét: